Theo TS. Vũ Tiến Lộc, thị trường bất động sản hiện tại vẫn còn vướng phát lý, chậm thủ tục dự án, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản.
Tại sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ: “Thị trường bất động sản hiện nay gắn liền với những từ khóa nổi bật: “Vướng và chậm, Khó và bí”. Cụ thể là vướng phát lý, chậm thủ tục dự án, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản”.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Kể cả khi các luật đã được thông qua bắt đầu có hiệu lực, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, thị trường vẫn cần thời gian để thích nghi và còn rất khó khăn ở giai đoạn tới.
“Để giải quyết đồng bộ các vấn đề thì có rất nhiều việc chúng ta phải làm. Đã có 20 chính sách mới đã được triển khai, song việc thực thi trong thực tế cũng không đơn giản. Ngay cả việc định giá, dù có ra luật thì triển khai vẫn khó khăn, không hề dễ dàng. Do vậy, rất cần Hiệp hội bất động sản chung tay, sâu sát với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có những kiến nghị, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Tôi cho rằng, Hiệp hội cần chỉ ra các điểm khó khăn cụ thể, các điểm bất cập cụ thể trong chính sách thì mới gỡ khó được cho doanh nghiệp. Chúng ta không kiến nghị hay bàn luận các vấn đề chung chung nữa mà cần đi vào chi tiết”, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay.
Theo ông, Luật đang ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ hơn nhưng rủi ro pháp lý thì luôn luôn còn, các tranh chấp vẫn sẽ xảy ra. Nên việc quan tâm đến rủi ro pháp lý, các tranh chấp bất động sản là rất cần thiết.
“Tôi cho rằng, giải quyết các tranh chấp giữa các doanh nghiệp nên hướng đến hoà giải, thương lượng. Hướng giải quyết này cũng phù hợp với các doanh nghiệp hơn, giúp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi rất mong các doanh nghiệp bất động sản có tranh chấp thì đừng đưa ra toà án, nếu cần thiết thì đưa ra trọng tài để cả hai bên cùng thắng, hướng đến hoà bình.
Các doanh nghiệp nội địa gắn kết với nhau để làm ăn lâu dài là điều rất cần thiết. Do đó, khi tranh chấp nên hướng đến cả hai bên cùng thắng và sau đó cùng bắt tay hợp tác tiếp”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Nguồn: Đời sống pháp luật